Sáng ngày 01/4, UBND huyện tổ chức buổi làm việc với Liên hiệp HTX Ong và dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang. Đồng chí Bùi Khắc Bằng- Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Nguyễn Thanh Sơn- Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp; cùng dự có các phòng, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các địa phương, Giám đốc, Phó giám đốc Liên hiệp HTX trên địa bàn toàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Bùi Khắc Bằng và Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Sơn chủ trì buổi làm việc
Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 7.500 đàn. Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, trong những năm qua huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống cho người dân.

Giám đốc LHHTX ong và dịch vụ Nông nghiệp Vũ Quang báo cáo kết quả hoạt động của LHHTX ong và dịch vụ Nông nghiệp Vũ Quang thời gian qua
Năm 2017, huyện đã thành lập Liên hiệp HTX ong và dịch vụ nông nghiệp huyện Vũ Quang, trong đó có 5 HTX và 1 THT, gồm: HTX nuôi ông xã Thọ Điền, HTX nuôi ong xã Đức Lĩnh, HTX nuôi ong xã Đức Bồng, HTX nuôi ong xã Đức Giang, HTX nuôi ong xã Ân Phú và 1 tổ hợp tác nuôi ong tại thị trấn Vũ Quang. LHHTX chịu trách nhiệm chung tại trung tâm UDKHKT&BVCTVN huyện, gồm có: 1 nhà xưởng, hệ thống máy hạ thủy phần.

Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Trường Thọ: Phòng sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển mật ong Vũ Quang trong thời gian sớm nhất.
Thực tế cho thấy, nghề nuôi ong đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập và từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng phát triển ong theo hướng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập cao.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Vũ Quang: Các hộ nuôi ong, THT, HTX cũng như LHHTX, doanh nghiệp cần kiểm tra chất lượng mật ong trước khi bán ra thị trường, nhằm ổn định giá cả và giữ vững thương hiệu mật ong Vũ Quang
Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn đang phát triển chăn nuôi ong theo hình thức nông hộ, chưa hình thành nhiều HTX quy mô lớn; sản phẩm sản xuất chưa kiểm soát được chất lượng, thị trường đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhãn mác thương hiệu giữa các HTX, THT và hộ nuôi ong chưa đồng nhất gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng, giá cả; liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân trong sản xuất, cung ứng kỹ thuật, vật tư cũng như bao tiêu sản phẩm còn hạn chế…

Ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch Hội người mù huyện; Phó giám đốc LHHTX ong và dịch vụ Nông nghiệp Vũ Quang : Đề nghị huyện quan tâm , khảo sát địa điểm đặt Xưởng, trang thiết bị, kho chứa bảo quản, phòng làm việc cho bộ phận thường trực và giao dịch
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để Liên hiệp hợp tác xã ong và dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang ngày càng hoạt động có hiệu quả và phát triểnbền vững. Trong đó, kiện toàn và cũng cố lại tổ chức LHHTX; khảo sát vị trí đặt xưởng, trang thiết bị, kho chứa bảo quản, phòng làm việc cho bộ phận thường trực và giao dịch; tổ chức các lớp dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi ong, thống nhất tem, nhãn mác sản phẩm mật ong…

Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Sơn: Phải kiện toàn lại LHHTX cũng như các HTX, THT để nâng cao hiệu quả hoạt động; Các HTX, THT cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Bùi Khắc Bằng nhấn mạnh: Mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Vũ Quang, là nguồn thu nhập lớn của người dân và góp phần phát triển du lịch dịch vụ trong tương lai. Do đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của các phòng, ban, ngành của huyện; cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của LHHTX và các hộ dân nuôi ong.

Chủ tịch UBND huyện Bùi Khắc Bằng phát biểu kết luận buổi làm việc
Để Liên hiệp HTX ong và dịch vụ Nông nghiệp Vũ Quang hoạt động ổn định và hiệu quả, đ/c Chủ tịch UBND huyện đề nghị các địa phương, HTX, THT cần vận động các hộ nuôi ong vào HTX, THT; có kế hoạch thu mua sản phẩm mật cho các hộ nuôi ong; thống nhất về giá để nâng cao giá trị sản phẩm
Giao Phòng NN&PTNT khẩn trương xây dựng đề án, tham mưu trình UBND huyện xem xét cho ý kiến trước khi trình HĐND huyện; phối hợp với phòng tài chính, KTHT nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp để xây dựng kho, mua sắm, bổ sung máy móc đảm bảo hoạt động của LHHTX; Trung tâm UDKHKT&BVCTVN huyện phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ nuôi ong, đảm bảo sản phẩm mật ong đạt chất lượng. LHHTX khẩn trương kiện toàn, cũng cố lại tổ chức; xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, nâng tầm chất lượng mật ong; khuyến khích các HTX, THX đăng ký xây dựng sản phẩm mật ong riêng theo đặc trưng của địa phương, như: mật ong hoa cam, mật ong gừng…; phối hợp các phòng, ban ngành thống nhất mẫu mã, nhãn mác cho tất cả sản phẩm mật ong và phải có lô-gô chỉ dẫn địa lý, kèm theo các quy định về quản lý cụ thể. Trung tâm VHTT huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu mật ong Vũ Quang trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huyện sẽ hỗ trợ LHHTX, người dân trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong ra các thị trường lớn. Các doanh nghiệp, HTX, THT cần xác định phát triển kinh tế và lấy lợi ích lâu dài, không chạy theo số lượng để sản xuất sản phẩm mật ong có chất lượng, giữ vững uy tín và thương hiệu trên thị trường…